Một vài nguyên lý Montessori quan trọng

Không có một quy chuẩn nào cho cuộc sống của mỗi người, ngay cả là với trẻ em. Nhu cầu tìm hiểu của các em khác nhau, tài năng bẩm sinh khác nhau, sở thích khác nhau - có lẽ điều tốt nhất các bậc phụ huynh nên làm là kiên nhẫn tôn trọng thế giới riêng của các em và giúp định hướng đúng đắn nhất.

Montessori khác với cách học từ trên xuống trong giáo dục truyền thống, nơi mà người giáo viên sẽ đứng trước lớp học và nói những gì chúng cần học. Thay vào đó, Montessori nhìn nhận mỗi đứa trẻ (và em bé) là duy nhất, với cách học riêng, mối quan tâm riêng và mốc phát triển riêng.

Trẻ có sự tự do để lựa chọn một hoạt động mà trẻ muốn làm (hoặc là tự làm một mình hoặc làm cùng đứa trẻ khác hoặc theo nhóm). Người chăm sóc sẽ quan sát để xem ai cần giúp đỡ hoặc ai cần một bài học mới. Với độ tuổi hỗn hợp, trẻ lớn hơn sẽ làm mẫu cho trẻ nhỏ hơn và có thể giúp chúng. Và trẻ nhỏ hơn, một cách tự nhiên, học được rất nhiều  từ việc quan sát trẻ lớn.

Một vài nguyên lý Montessori nền tảng, bao gồm việc thấu hiểu bản chất, đặc điểm và nhu cầu đứa trẻ. Việc hiểu các nguyên lí là chìa khóa trong việc áp dụng Montessori cho em bé của chúng ta.

Tâm trí thấm hút
Tâm trí thấm hút là một trạng thái đặc biệt của tâm trí mà trẻ sở hữu từ lúc sinh ra cho tới khoảng 6 tháng tuổi. Nó cho phép trẻ học một cách dễ dàng và tiếp nhận những đặc điểm và yếu tố văn hóa trong môi trường ngay xung quanh. Trẻ làm điều này vô thức và không cần nỗ lực. Trẻ nhìn và nghe những gì xung quanh chúng, trẻ hấp thụ vào, và rồi một ngày, không cần hỗ trợ lực chút nào, trẻ lặp lại chính những gì đã tiếp thu. Chính tâm trí thấm hút đã khiến cho việc học ngôn ngữ nói trong môi trường rất dễ dàng với trẻ. Đó cũng là lý do trẻ học đúng những cử chỉ của người trẻ mà ở bên cạnh, hoặc dễ dàng học được cách múa khi được những vũ công vây quanh. Mọi khía cạnh của môi trường - dù hữu hình (như ngôn ngữ) hay vô hình (như thái độ của chúng ta) - đều được hấp thụ bởi những em bé nhỏ nhất.
Ở trường tiểu học có một thí nghiệm phổ biến, trẻ đặt một cái cây hoặc một nhánh cần tây trong một cốc nước cùng một chút màu thực phẩm. Sau đó trẻ quan sát những lá cây và cánh hoa khi chúng đổi màu. Đây chính xác là cách mà tâm trí thấm hút của trẻ hoạt động - nó thấm hút những đặc điểm của môi trường, và những đặc điểm này sau đó trở thành một phần không thể tách rời của trẻ.
Tâm trí thấm hút là một công cụ tuyệt vời, cũng như hầu hết công cụ tuyệt vời, lợi ích của nó lệ thuộc vào cách nó sử dụng. Đây là một cơ hội lớn, cũng là một trách nhiệm lớn lao.
“Trẻ thấm hút cuộc sống xung quanh và hợp thành một với nó”. Bs. Maria Montessori, Tâm trí thấm hút
Hiểu biết điều này là một món quà lớn đối với cha mẹ. Chúng ta có thể làm mẫu những hành vi và thái độ mà chúng ta muốn con tiếp nhận, bao quanh con với cái đẹp và thiên nhiên, nói với con bằng ngôn ngữ dồi dào và cho con những trải nghiệm phong phú, khi biết rằng ngay từ khi chào đời, con đã thấm hút tất cả những điều này, vốn sẽ trở thành một phần không thể xóa được của con.

Những thiên hướng của con người
Con người được sinh ra với bản năng và thiên hướng tự nhiên. Những thiên hướng này dẫn đường cho hành vi, nhận thức và phản ứng của chúng ta với các trải nghiệm trong cuộc sống.
Khi chúng ta hiểu có điều gì đang thúc đẩy hành vi của em bé - những thiên hướng thông thường của con người - chúng ta có thể nhận thức và giải nghĩa tốt hơn những nhu cầu của em và phản hồi phù hợp.

Một vài thiên hướng con người thể hiện rõ ràng ở thời ấu nhi là:

Định hướng
Đây là mong muốn để biết chúng ta đang ở đâu, để làm quen với môi trường, và để có ý niệm về điều gì đang diễn ra xung quanh. Với người lớn, khi đến một địa điểm mới, chúng ta thường cố gắng tự định hướng bằng những địa danh thân thuộc. Có thể chúng ta sẽ tìm một người đã quen địa điểm này để hướng dẫn hay chỉ đường cho chúng ta. Nhu cầu này cũng hiện diện ở em bé. Em cũng cần làm quen với môi trường và những gì đang diễn ra xung quanh em. Chúng ta có thể giúp em bằng việc cung cấp những dấu hiệu hoặc mối liên hệ thân thuộc.
Ban đầu khi em bé vừa chào đời, trái đất là một môi trường hoàn toàn mới không có “điểm tham chiếu”. Nhưng giọng nói và tiếng tim đập của người mẹ - hai thứ mà em bé nghe thấy từ trong tử cung - là những đặc điểm thân thuộc, hay điểm tham chiếu, có thể giúp em định hướng trong môi trường mới. Bàn tay của em cũng là một điểm thân thuộc khác. Em bé đã sờ được mặt mình và di chuyển tứ chi từ trong bụng mẹ, nên em có thể tìm được sự trấn an từ những “người bạn” thân quen này. Chúng ta thường vô tình tước đi những điểm tham chiếu này khi đeo bao tay cho bàn tay em bé hoặc mặc quần áo hay quấn em bé nhằm hạn chế sự tiếp cận hoặc tự do vận động đôi bàn tay.
Sớm thôi, một món đồ chơi chuyển động, một bức hình trong phòng em bé, đồ đạc, hoặc những nơi được dành riêng cho những hoạt động khác nhau, tất cả đều có thể làm những điểm tham chiếu cho em bé. Em bé sẽ tiếp tục bổ sung những điều mới khi lớn lên, nhưng sự hiện diện và giọng nói của người chăm sóc sẽ tiếp tục là những điểm tham chiếu cho em bé suốt thời kỳ ấu nhi.

Trật tự
Là con người, chúng ta khao khát sự nhất quán. Em bé cũng vậy. Trật tự và sự nhất quán là những gì giúp em định hướng bản thân và cảm thấy an toàn. Trong môi trường xung quanh em bé, cần có một vị trí cho mọi thứ, và mọi thứ cần phải ở vị trí của nó. Em bé phải lường trước được một ngày và những hoạt động diễn ra thế nào. Chúng ta có thể giúp em bằng cách tạo ra môi trường có trật tự, thiết lập những thói quen sinh hoạt và dấu hiệu để giúp em dự đoán được mình đang ở đâu hay chuyện gì xảy ra tiếp theo. Chúng ta có thể tạo ra vị trí cho mọi thứ - bắt đầu với một nơi để ăn, một nơi để ngủ, một nơi để chăm sóc thể chất, và một nơi để vận động và chơi, chúng ta có thể tiến xa hơn, có một nơi cố định cho những đồ vật trong môi trường.

Giao tiếp
Giao tiếp là cách chúng ta chia sẻ cảm nhận, trải nghiệm, suy nghĩ và nhu cầu của mình. Con người có khả năng giao tiếp từ khi chào đời. Em bé giao tiếp với cử chỉ, ngôn ngữ cơ thể, tiếng khóc (đúng thế, em đang cho chúng ta biết em cần cái gì đó), bập bẹ, và cuối cùng, là bằng lời nói. Cũng theo cách ấy, em bé chú ý, thấm hút, và dần dần bắt đầu hiểu nội dung chúng ta giao tiếp với em. Ngay từ đầu, chúng ta đã được lập trình để giao tiếp hai chiều.
Vì vậy, chúng ta có thể giao tiếp với em bé bằng cách nói chuyện với em, cười, cư xử phù hợp, và đặc biệt là ý thức về ngôn ngữ cơ thể của chúng ta. Thậm chí cách chúng ta động chạm em bé cũng là một hình thức giao tiếp và là một thông điệp cho bé. Chúng ta còn có thể chú ý, lắng nghe, và tìm hiểu cách hiểu nội dung mà em bé muốn giao tiếp với chúng ta, và khi làm điều này chúng ta có thể đáp ứng nhu cầu của em.

Khám phá và hoạt động
Con người là những nhà thám hiểm. Chúng ta tương tác với mọi thứ xung quanh để hiểu và làm chủ chúng. Em bé nhìn vào mọi thứ, nếm, ngửi, sờ, di chuyển, đập, ném, và nói chung là khám phá. Đây là cách em hiểu được mọi thứ vận hành thế nào. Chúng ta cần tạo cơ hội để em khám phá. Chúng ta có thể cho em bé những thứ để khám phá, cho em thời gian để khám phá, và bảo đảm môi trường an toàn cho việc khám phá.

Giải quyết vấn đề
Chúng ta là những người giải quyết vấn đề có nhu cầu sử dụng tâm trí toán học của mình. Chúng ta thường vô tình tước đi cơ hội đáp ứng nhu cầu này của em bé. Bạn có thể tự hỏi em bé có thể giải quyết vấn đề như thế nào. Nó có thể đơn giản như việc tự với được một món đồ chơi thay vì được đặt sẵn vào tay. Hay sử dụng khứu giác và thị giác của mình để tìm núm vú của mẹ hay của bình sữa thay vì được đặt sẵn vào miệng. Hay việ bò qua một khoảng cách để lấy được quả bóng so với quả bóng được đưa luôn cho mình. Hay việc tìm cách để giải phóng bản tay khi nó bị “tắc” ở dưới người em. Những cơ hội nhỏ này cho phép em bé tìm ra khoảng cách, xem xét các lựa chọn, và giải quyết vấn đề, nhờ thế đáp ứng những thiên hướng con người của một tâm trí toán học. Chúng ta có thể hỗ trợ thiên hướng này ở em bé bằng cách trao cơ hội để chơi và khám phá tự do.

Sự lặp lại
Quan sát một em bé đang học ngồi, đứng hoặc đi. Tường thì em bé sẽ kéo mình lên để đứng, ngồi, hoặc quỳ, và rồi đứng lên lại. Em lặp đi lặp lại việc này nếu em không bị làm phiền. Sự lặp lại là một thiên hướng con người cho phép chúng ta thành thạo các kỹ năng. 
Khi chúng ta quan sát em bé lặp lại một hành động, thay vì cho rằng em đang gặp khó khăn, cần giúp đỡ, hay có lẽ là đang nhàm chán, chúng ta có thể dành cơ hội và thời gian để sự lặp lại diễn ra.

Hình ảnh trừu tượng và trí tưởng tượng
Tư duy trừu tượng là khả năng nhìn nhận vượt lên trên những điều cụ thể, để diễn giải và tổng quát hóa. Điều đó bao gồm mường tượng những ý tưởng, khái niệm, hay những điều không tồn tại ở dạng vật chất. Ngay từ khi còn rất bé, chúng ta đã có thể nhìn thấy những điều không đúng trước mắt và tưởng tượng ra giải pháp cho nhu cầu của mình. Em bé học được rằng mình vẫn có mẹ hoặc cha dù khi người đó vắng mặt. Em bé tìm những gì không hiện diện ở đây.

Nhu cầu và khả năng tưởng tượng này cũng giúp chúng ta giải quyết vấn đề của mình và tự đáp ứng nhu cầu bản thân. Để tưởng tượng và tư duy trừu tượng đòi hỏi kiến thức cũng như hiểu biết về thực tại của chúng ta. Em bé có thể hiểu cái cốc là gì, nó dùng để làm gì bởi vì em đã từng nhìn thấy nó, sử dụng nó, hoặc nhìn thấy ai đó khác sử dụng nó. Em bé 7 tháng từng dùng cốc sẽ cố gắng uống bằng một đồ vật khác có hình dạng như cái cốc. Ngay từ rất sớm, chúng ta sẽ quan sát thấy em bé sử dụng điều khiển vô tuyến như chiếc điện thoại. 

Mặc dù thiên hướng này trở nên mạnh mẽ, rõ ràng hơn khi em bé lớn, nhưng thực tế nó đã hiện hữu ngay từ khi em bé chào đời. Cho nên em bé cũng cần nhiều trải nghiệm thực hành, bởi vì khả năng tưởng tượng và tư duy trừu tượng của em được xây dựng trên điều này.

𝐂𝐇𝐈𝐋𝐀 𝐌𝐎𝐍𝐓𝐄𝐒𝐒𝐎𝐑𝐈 - DỊCH VỤ TRÔNG DẠY TRẺ TẬN NHÀ THEO PHƯƠNG PHÁP KHOA HỌC 
☎️ Hotline: 028 73 028 299 - 0828 759 859
📥 Zalo Official: https://zalo.me/507992405211685589
📧 Email: cskh@chila.edu.vn
🇫 🇧 Facebook: https://www.facebook.com/chila.montessori


(*) Xem thêm

Bình luận
  • Đánh giá của bạn
Đã thêm vào giỏ hàng